Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Viết cho anh
Nếu biết rằng ta mãi là của nhau
Thì em đã chẳng nói lời vĩnh biệt
Nhưng anh ơi! Đó không là sự thật
Em và anh chẳng thể là của nhau
Em biết một mai thôi anh ơi
Anh sẽ là của một người con gái khác
Em bơ vơ trên cõi đời lưu lạc
Biết về đâu khi đã mất anh rồi
Người ta bảo "hai trừ một còn một"
Nhưng với em nó chẳng còn gì
"Một" có nghĩa gì đâu cơ chứ?
"Một" đơn côi, cô lẻ, bơ vơ...
Nếu biết rằng quên anh là khó
Chẳng dại gì ngày đó em quen anh
"Nếu biết rằng yêu là đau khổ
Thì nhân gian đừng có chúng mình"
Rằm Tháng 7- ngày lễ của người Việt được giới tăng ni Phật tử gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, các nhà bày mâm cỗ cúng chúng sinh....
thư pháp chữ cha mẹ
Vu lan là dịp để tưởng nhớ và báo hiếu đến cha mẹ
1. Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

Và thế là mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh. (VNN).

2. Theo Phật Quang Đại từ điển, mục từ: Vu Lan Bồn. Phạm: Ullalambana. Cũng gọi: Ô lam bà noa. Chữ Hán dịch là Đảo huyền. Cũng gọi là Vu lan bồn hội, Bồn hội. Chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm căn cứ theo lời Phật dạy trong kinh Vu lan bồn tạo các khu vực theo Phật giáo thuộc hệ thống Hán ngữ.

Vu lan bồn là dịch âm từ chữ Phạm Avalambana (Đảo huyền = treo ngược), ví như nỗi khổ của người chết giống như cái khổ của người bị treo ngược, cực kỳ đau đớn. (...)

Theo Kinh Vu Lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Liên dùng thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục, thấy rồi, ngài Mục liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Để cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu, Phật liền dạy ngài Mục liên vào ngày rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc hạ an cư) , dùng thức ăn uông đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời. ..

Còn theo Kinh Đại bồn tịnh độ thì vua Bình sa, cư sĩ Tu đạt, phu nhân Mạt lợi ...y theo phương pháp của ngài Mục liên là 500 bồn vàng đựng thức ăn dâng cứng đức Phật và chúng tăng để cầu diệt trừ tội nghiệp của cha mẹ 7 đời.

Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, vua Vũ đế nhà Lương là người đầu tiên cử hành hội Vu Lan bồn. (Trích: Phật Quang Đại từ điển, tập 6 do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 7241- 7242).

3. Theo Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, mục từ Vu Lan (lễ)(Phật giáo).

Vu Lan (bồn) là cái chậu đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng. Lễ Vu Lan cử hành vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, là lễ dâng các phẩm vật cúng chư tăng đựng trong chiếc Vu Lan cầu xin cho vong hồn người thân thoát khỏi nơi địa ngục. Rằm tháng 7 âm lịch gọi là ngàu vong nhân xá tooijm nghĩa là dưới âm phủ, ngày hôm ấy các vong hồn được tha tội. Bởi vậy đốt vàng mã cúng gia tiên.

(Trích Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam. Hữu Ngọc chủ biên. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, trang 750).

Đọc thêm: Gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên
lễ vu lan
Nguồn gốc lễ Vu lan
Hôm nay là ngày Lễ Vu Lan, 15 tháng bảy âm lịch theo Phật giáo Việt Nam, trích bài "Gương hiếu hạnh Đức Mục Kiền Liên" của Hòa thượng THÍCH THANH TỪ để mọi người cùng đọc.

Ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục. Tại sao Ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A la hán khác nhưng chúng ta lại đặt quan trọng? Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam.

Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả Phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, chớ không thể lơ là được. Người Việt Nam mình tôn trọng chữ Hiếu làm đầu, điều này có sai lệch không? Chắc là không. Bởi vì ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, chớ không phải chuyện ở bên ngoài. Cho nên mọi hay dở tốt xấu của chúng ta là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm ân đó không thể nào chối cãi, không thể nào từ bỏ được.

Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút mà xem thường cha mẹ là có lỗi lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần của thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên thế gian này không có ân nào quý trọng và cao cả bằng ân cha mẹ. Nếu ân cao cả như vậy mà chúng ta quên đi thì những ân thường trong xã hội, ân của bạn bè giúp đỡ, chúng ta làm gì biết ơn và đền ơn.


Như vậy muốn thành người tốt, có đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Người Phật tử không phải tu theo Phật để chỉ cầu giải thoát sanh tử thôi, mà còn tu trong bổn phận làm người, trong đó cha mẹ là trên hết. Đối với cha mẹ mà quên thì cầu thành Phật, cầu giải thoát, e rằng chưa được. Vì sao? Vì ngài Mục Kiền Liên đã chứng A la hán rồi mà còn chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm Tăng phàm Ni, lại không nhớ không kể gì đến ân cha mẹ, đó là một điều thiếu sót không thể chấp nhận được.

Vì vậy ngày Lễ Vu lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta phải nhớ ngày Lễ Vu lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chớ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sanh Tịnh độ thôi, mà chúng ta luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu hành, cố gắng đền trả công ơn lớn lao của cha mẹ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật, cũng xứng đáng là người Phật tử Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng lục thông, có thể đến được chỗ của mẹ ở trong cõi ngạ quỷ đói khát, mà không dùng thần thông cõng mẹ chạy lên cõi Trời cho sung sướng? Tại sao thấy cảnh mẹ khổ rồi khóc trở về, không làm gì được? Đó là một vấn đề cần phải hiểu rõ. Trong nhà Phật có câu “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Nghiệp đã nhất định rồi, dù có thần thông cũng không đổi dời được.

Như trường hợp Đức Phật khi đã đắc quả rồi, dòng họ Thích bị vua Lưu Ly cử binh sang đánh. Đức Phật nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng Phật cũng đành chịu để vua Lưu Ly chém giết dòng họ Thích Ca. Như vậy để thấy khi định nghiệp có rồi thì khó cải đổi được. Đức Phật không cứu được dòng họ cũng như ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, dù là có thần thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ thần thông không chuyển được định nghiệp của người khác.

Trong nhà thiền thì xem thường thần thông lắm. Như tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa, ngài lên núi Thiên Thai vào mùa mưa, khi xuống núi gặp một vị Tăng, cả hai kết bạn cùng đi. Đi một đỗi gặp dòng suối lớn, nước chảy mạnh, đằng xa có một con thuyền. Vị Tăng cùng đi bảo “huynh đi qua đi”, ngài Hoàng Bá nói “huynh qua được thì cứ qua trước”. Vị Tăng nọ liền vén áo, đi thật nhanh trên mặt nước qua bờ bên kia. Ngài Hoàng Bá dùng thuyền qua sau. Đến bờ bên kia, người bạn đồng hành cười ra vẻ xem thường ngài không có thần thông.

Ngài hỏi: - Huynh tập bao lâu mới được thần thông?

Đáp: - Ba mươi năm.

Ngài Hoàng Bá nói: - Công của huynh tập ba mươi năm, giá đáng hai xu thôi.

Vì bỏ ra ba mươi năm để có thần thông đi qua dòng suối, trong khi thiền sư chỉ cần tốn hai xu qua đò là xong. Nên ngài nói công tập ba mươi năm chỉ đáng giá hai xu! Như vậy để chúng ta hiểu đạo Phật trọng tu hành chuyển nghiệp hơn là thần thông. Bởi vì nghiệp mình tạo sẽ chuốc quả khổ, người khác có thần thông không cứu được. Muốn hết nghiệp phải chuyển từ lúc ban đầu, chớ không phải luyện tập thần thông mà được.

Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên là nghiệp gì? Bỏn xẻn là một phần nhỏ, lớn hơn là lòng hiểm ác. Từ nghiệp hiểm ác bỏn sẻn mà đọa vào kiếp ngạ quỷ, làm quỷ đói. Đã đọa rồi thì phải chịu quả, dù con mình có thần thông cũng không cứu được. Cho nên biết thần thông không chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được thôi. Đó là giải đáp thắc mắc về vấn đề thần thông.

Còn một vấn đề nữa, sau khi ngài Mục Kiền Liên về, trình lên Phật nỗi đau khổ vì thấy mẹ đói, Ngài đem cơm cho mẹ ăn mà bà ăn không được. Ngài muốn cứu mẹ, không làm sao cứu được. Phật mới dạy Tôn giả thỉnh chư Tăng cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển kiếp ngạ quỷ. Sau khi tổ chức Lễ Vu lan rồi, chư Tăng thọ trai xong, đồng thời nguyện cầu cho bà chuyển được tâm niệm ác độc trở thành tâm niệm lương thiện. Nương nơi sức cầu nguyện của chư Thánh tăng, bà chuyển được tâm xấu ác thành tâm thiện lành, liền sanh lên cõi Trời. Nhân đó, người ta đặt câu hỏi đạo Phật nói nhân quả, tạo nhân nào thì chịu quả nấy, tại sao cầu nguyện liền mất hết quả cũ. Như vậy lý nhân quả nằm ở chỗ nào? Đó là một vấn đề.

Quý Phật tử nên biết không phải chư Tăng tụng kinh cầu nguyện, liền đó bà Thanh Đề được sanh về cõi Trời. Hương linh của người chết đọa vào kiếp ngạ quỷ, họ sống, họ ăn bằng cái tưởng. Chúng ta cúng cô hồn gồm muối, gạo, cơm cháo…, cúng rồi còn hay hết, cúng rồi còn nguyên. Như vậy rõ ràng do tâm tưởng, họ ăn được no. Họ ăn bằng cái tưởng nên họ sống bằng tâm tưởng nhiều hơn sống bằng cái thực. Vì thể xác của họ không nặng nề như mình, mà nhẹ nhàng như bóng như gió vậy. Do sống bằng tâm tưởng nên khi chuyển tâm tưởng lại thì liền đó thoát khổ. Khi chư Tăng nguyện lành cho bà, bà thức tỉnh chuyển tâm hiểm ác keo kiệt trở thành tâm lương thiện, liền sanh cõi Trời. Như vậy không phải chư Tăng có khả năng đưa bà lên cõi Trời, mà do bà chuyển được tâm niệm nên sanh về cõi Trời.

Lúc trước bà chết, tâm hiểm ác keo kiệt dẫn bà đi vào cõi Ngạ quỷ. Thế thì quý Phật tử nhất là những vị lớn tuổi cần phải đề phòng. Chúng ta khi ra đi sẽ theo tâm tưởng mà thác sanh. Tưởng lành tưởng ác sẽ dẫn mình đi vào đường lành đường ác. Do đó nhà chùa hay tổ chức lễ cầu nguyện cho người sắp lâm chung, chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ Phật tử tới hộ niệm để làm gì? Bởi vì khi chúng ta sắp xả thân, thể xác này đau đớn khổ sở vô kể, vì lo đau đớn nên quên niệm lành. Bây giờ muốn được niệm lành phải có sự trợ lực của chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ, cùng đọc lên những lời dạy của Phật tức là đọc kinh, để mình nhớ lại Phật mà quên những niệm xấu. Nhờ nhớ Phật, quên niệm xấu nên nhắm mắt mình đi đường lành. Đó là ý nghĩa quan trọng của người trợ niệm.

Chúng ta khi còn khỏe mạnh tỉnh táo nghĩ tới điều lành, nghĩ tới lời Phật dạy không khó. Nhưng lúc đau đớn khổ sở, thân thể bức ngặt quá, thật là khó nhớ. Cho nên bây giờ chúng ta ráng tu, ráng gìn giữ tâm tư trong sáng. Những tâm tư trong sáng đó giúp mình khi bức bách không bị quên, không bị xao lãng, nếu không tu như vậy tới chừng đó chúng ta không thể chuyển kịp. Nhiều người khi sống cũng làm đôi ba việc thiện, nhưng khi chết đau khổ quá, ai làm trái ý liền nổi giận lên. Chính cái giận đó sẽ dẫn họ đi vào đường ác, gọi là cận tử nghiệp, cái đó hết sức hệ trọng. Quý Phật tử nghĩ đến sự tu thì ráng tập tâm tư của mình luôn luôn trong sáng. Khi gần nhắm mắt được chư Tăng chư Ni hoặc các Phật tử giúp cho, mình cố gắng thêm quên cái đau đớn, chỉ nhớ Phật, đó là duyên tốt để đi đường lành. Người thân cũng nên nhớ đừng gây phiền hà buồn bực làm cho thần thức kẻ sắp lâm chung đi vào đường khổ.

Bởi vậy tinh thần hiếu thảo của Phật tử là phải quý trọng giờ lâm chung của cha mẹ, đem hết lòng thành kính thỉnh mời chư Tăng chư Ni tới để trợ lực giúp cho cha mẹ tỉnh táo, nhớ được điều lành. Đây là việc hết sức thiết yếu. Phật tử nhớ chúng ta tu là làm sao cho hiện đời được an lạc, khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là người biết lo xa, chuẩn bị trước, không phải tu chỉ để được phước. Được phước mà tâm còn tối tăm, xấu xa thì phước chưa đủ để đưa mình tới chỗ lành.

Như chúng ta thấy có nhiều con chó sướng hơn con người, phải không? Nó được cưng được quý, trong khi nhiều con người sống lang thang rất khổ sở. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại, có phước mới được làm người, vô phước mới làm súc sanh, tại sao đã làm súc sanh mà sướng hơn người? Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Bởi vì người vừa làm phước vừa tạo tội nên sanh có quả không cố định được. Ví như người đi ăn trộm được tiền nhiều, họ đem cúng chùa một phần, hưởng một phần. Như vậy một bên làm tội một bên làm phước. Có tội thì phải đọa, nhưng làm phước thì hưởng phước. Cho nên tuy tội đọa làm súc sanh mà vẫn hưởng được phước sung sướng. Phật tử tu làm sao để vừa được làm người, vừa có phước nữa, chớ đừng có phước mà không được làm người, uổng lắm. Hiểu rõ như vậy chúng ta sẽ không thắc mắc về thân phận và quả phước khác nhau của chúng sanh.
Xao xuyến Thu nay

Tháng Tám năm nay có gì lạ mà xao xuyến khác thường. Có phải những ngày đầu tháng 8 là nắng đến cháy người và trời cao vời vợi trong tiết Xử thử xanh ngằn ngặt. Không chỉ trời mô xanh bằng trời Can lộc như trong lời thơ Phương Thúy để nhạc sỹ tài danh Doãn Nho phổ nhạc. Mà cả trời Hà Tĩnh xanh. Xanh chuẩn bị lập thu. Xanh thảng thốt với nắng mưa của bão kép số 3 số 4.

Có thể nỗi niềm hơn bởi Thu nay, tháng 8 năm 2011 này, Hà Tĩnh trong niềm vui chung ngày hội toàn dân có niềm vui riêng của ngày lập tỉnh. Của 20 năm ngày tái lập. Những niềm vui, xao xuyến không dễ có trong đời người khi đếm những cột mốc thời gian. Con số thì khô khan nghèo nàn mà sự kiện thì sôi động, giàu có.
Lịch sử đã có lý của mình khi qua nhiều chọn lựa để cuối cùng định danh cho một vùng quê. Tỉnh Hà Tĩnh, một trong 30 tỉnh của nước Đại Việt được thành lập năm 1831 dưới Triều vua Minh Mạng. Tới thu này này là chẵn 180 năm. Trong chặng đường gần 2 thế kỷ ấy, Hà Tĩnh đã mấy lần hoán đổi tách chia. Không tính đến những buổi đầu sơ khai, nội dưới Triều Vua Tự Đức, Hà Tĩnh cũng đã hai lần thay tên đổi dạng. Năm 1853 đổi là Đạo Hà Tĩnh, Quản Đạo lệ vào bộ máy quan lại ở Nghệ An. Tới năm 1875 lại trở về Hà Tĩnh.
Xao xuyến Thu nay
                                            Hà Tĩnh quê thơ
Không chỉ dưới thời phong kiến, Pháp thuộc, mà trong chính thể Dân chủ Cộng hòa, Hà Tĩnh cũng lại hai lần sáp nhập rồi chia tách. Năm 1976 gộp 2 tỉnh thành Nghệ Tĩnh. Năm 1991 lại tách chia. Và Hà Tĩnh lại trở về Hà Tĩnh. Để Thu này cũng lại chẵn 20 năm ngày tái lập Hà Tĩnh mình.
Những băn khoăn chọn lựa của lịch sử lại thêm một lần có lý. Âý bởi vì, dẫu sát núi liền sông nhưng Hà Tĩnh vẫn là một cõi riêng không thể lẫn. Một vùng đất thiêng đã sản sinh những con người tuấn kiệt. Nơi đây từng nuôi dưỡng Nguyễn Du- danh nhân Văn hóa Thế giới, tác giả của Truyện Kiều bất hủ. Nơi quê hương của những Ông hoàng Thi ca và Toán học: Huy Cận, Xuân Diệu, Lê Văn Thiêm và bao tên tuổi lớn khác. Nơi những cánh chim đầu đàn đi làm Cách mạng : Trần Phú, Hà Huy Tập. Nơi đốm lửa chống Pháp được nhen lên từ tay Hầu Tạo, Phan Bô đến bó đuốc 10 năm của Phan Đình Phùng gan góc. Nơi máu xương của dân cày nghèo đổ xuống Ngã ba Nghèn. Tới Ngã ba Đồng Lộc thì người Hà Tĩnh đã đi trọn cuộc trường chinh Gỉai phóng dân tộc thống nhất non sông.
Một Hà Tĩnh được định danh, điểm mặt, không thể lẫn trong đoàn quân của hai miền Nam Bắc, của hơn sáu chục tỉnh thành trong toàn cõi Việt Nam.
Một Hà Tĩnh không chỉ giỏi đánh giặc ngoại xâm mà còn giỏi diệt gặc đói giặc dốt. Biết làm tốt công tác Sửa sai, trồng thêm ngô và lúa. Lời Bác dạy khi Người về thăm Hà tĩnh đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh, để Hà Tĩnh biết nuôi người nuôi chữ, từ trang vở học trò Cẩm Bình tới những tri thức lớn Khoa học: Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu và bao hiền tài, nguyên khí Quốc gia hôm nay.
Một quê cha Hà Tĩnh, đất hẹp khô rang, đói bao thuở, cơm chia phần từng bát (Xuân Diệu) nay lương thực bình quân đầu người cao nhất trong 6 tỉnh Khu bốn. Một Hà Tĩnh đi từ các dự án nhỏ lẻ tới thu hút đầu tư hơn 250.000 tỷ đồng. Từ Khu Cảng nước sâu Vũng áng tới Dự án Mỏ sắt Thạch khê, Hà Tĩnh đã có cơ để trở thành một tỉnh nhiều tiềm năng Công nghiệp. Người Hà Tĩnh từ bỡ ngỡ ban đầu đến mạnh dạn tiếp cận với các khu du lịch sinh thái, đô thị - dịch vụ, liên hợp gang thép, lọc hóa dầu, luyện thép, nhiệt điện và cửa khẩu quốc tế. Bao nhiêu lao động, bao nhiêu ngành nghề, một Hà Tĩnh đang trở mình đứng dậy và đã thực sự nổi bật lên.
Một Hà Tĩnh với 48 mã ngành nghề đang được đào tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh, tại 3 trường Cao đẳng: Y tế, Dạy nghề và Văn hóa Thể thao Du lịch. Một thế hệ người Hà Tĩnh mới đang trưởng thành từ truyền thống 180 năm thành lập tỉnh. Một minh chứng của 20 năm ngày tái lập. Một Hà Tĩnh cho ai đi mô rồi cũng nhớ về..
Cứ thấy lâng lâng một niềm tự hào. Dẫu không ai sống bằng quá khứ. Nhưng không có ngày qua thì làm sao có được hôm nay. Từ Hà Tĩnh rồi Đạo Hà Tĩnh, từ An Tĩnh, Nghệ Tĩnh và cõi riêng Hà Tĩnh. 180 năm và 20 năm! Bình tâm nhìn lại chặng đường đã qua sẽ thấy rõ hơn sức vươn lên từ Liên Thành (Thành Sen) tới Hà Tĩnh thành phố đô thị loại 3. Và như thế sẽ biết Hà Tĩnh mình đang ở đâu trên chặng đường tiến lên của toàn dân Việt.
Có phải vậy chăng mà những ngày Thu này, lòng mình thường xao xuyến? Hay nắng gió mùa Thu đang dào dạt đất trời?
Trần Đắc Túc
Gửi các bác bài thơ về Hà Tĩnh quê choa 
Hà Tĩnh ca.
Hà Tĩnh đích thị quê choa,
Người người chắc nịch, làn da đen sì. 
Nói về việc học hành thì, 
Dân choa vô đối so bì mần chi?  
Sĩ tử lều chõng đi thi, 
Không về giải nhất cũng nhì hoặc ba.  
Choa đây không phải ba hoa, 
Vì choa vốn tính thật thà dân quê.  
"Kia" thì choa nói là "tê" , 
Con me* đích thị con bê bay hầy!!  
Dân choa cũng nỏ biết rầy,**  
Đôi khi có tính cù nhầy dây dưa.  
Tính tình nhiều nắng ít mưa, 
Có chi nói thẳng khó vừa lòng ai.
Đặc sản chủ yếu sắn- khoai
Lại thêm món kẹo CU HAI*** ngọt dài 
Quê choa rành lắm người tài,  
Thông minh cộng với miệt mài mà nên.  
À, choa lại phải nói thêm, 
Hà Tĩnh choa vốn "búa liềm công nông",  
Đập*** thì chỉ đập hội đồng, 
Ai trêu Hà Tĩnh  đừng mong về nhà
Đôi lời phác họa quê choa
Thích, đọc, Nỏ thích, Choa đây Nỏ cần…/..